top of page
Search
Writer's pictureCloud HPT

Trẻ em cần được quan tâm đặc biệt để hạn chế bạo lực trên không gian mạng

Với trẻ em, tiếp cận và thụ hưởng quá trình số hóa trên các lĩnh vực chính là một chủ đề cần được quan tâm nhưng cần được quan tâm đặc biệt để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình này, trong đó có bạo lực trên không gian mạng.

Sáng ngày 8/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, Tiểu ban UNESCO về KHXH phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số”.

Nhận dạng đặc điểm, hình thức bắt nạt/bạo lực qua mạng

Với tham luận, “Xã hội số và bạo lực mạng đối với trẻ em”, nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Thị Thu Phương và ThS. Phan Thị Song Thương, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, cho biết: Quá trình số hóa toàn cầu là quá trình tất yếu, nó mang lại cả những cơ hội lẫn thách thức cho người dân. Với trẻ em, tiếp cận và thụ hưởng quá trình số hóa trên các lĩnh vực chính là một chủ đề cần được quan tâm để đảm bảo hội nhập của trẻ em với quá trình phát triển chung. Mặt khác trẻ em cũng cần được quan tâm đặc biệt để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình này, trong đó có bạo lực trên không gian mạng.



ThS. Phan Thị Song Thương trình bày tham luận.

Nhóm nghiên cứu chỉ rõ, bắt nạt/bạo lực trên không gian mạng là việc sử dụng các phương thức truyền thông tin (tin nhắn, cuộc gọi đăng tải bài viết, hình ảnh, video lên mạng xã hội..) có nội dung chế giễu, hạ thấp hoặc đe dọa người khác. Bắt nạt/bạo lực trên không gian mạng với trẻ em là việc có những hành động trên đối với trẻ em qua mạng.

Xem thêm: Dịch vụ bảo mật HPT

Theo nhóm nghiên cứu có nhiều hình thức bắt nạt/bạo lực qua mạng, có thể tóm tắt một số hình thức bắt nạt/bạo lực qua mạng như: Gửi đăng tải, phát tán tin nhắn có ngôn từ xấu, gây tổn thương đến người khác đặc biệt là trẻ em; Gửi đăng tải, phát tán tin nhắn có ngôn từ khiêu dâm liên quan đến trẻ em; Gửi đăng tải, phát tán hình ảnh/video xấu hổ của trẻ em với mục đích làm tổn thương chế giễu, hạ nhục trẻ em; Gửi đăng tải, phát tán hình ảnh/video khiêu dâm có liên quan đến trẻ em.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong một báo cáo của UNICEF vào tháng 9/2019 khảo sát tại 30 quốc gia trên thế giới cho thấy kết quả, cứ ba người trẻ tuổi thì có một người là nạn nhân của bắt nạt/bạo lực qua mạng. Ở mỗi quốc gia khác nhau, tỷ lệ trẻ em có trải nghiệm bị bắt nạt/bạo lực qua mạng là khác nhau.

Tuy nhiên đối với nhiều quốc gia, cùng với tỷ lệ trẻ em sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng tăng tỷ lệ trẻ em bị bắt nạt/bạo lực qua mạng cũng ngày càng tăng.

Việt Nam có tỷ lệ tiếp cận Internet của trẻ em cao nhưng nguy cơ bị bắt nạt/bạo lực qua mạng thấp

Trong khi đó, Việt Nam được xếp vào khối những quốc gia có tỷ lệ tiếp cận Internet của trẻ em cao nhưng nguy cơ bị bắt nạt/bạo lực qua mạng thấp. Mặc dù vậy, theo khảo sát của UNICEF năm 2022 về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện đối với trẻ em nam và nữ vị thành niên ở Việt Nam, bắt nạt/bạo lực qua mạng cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với các học sinh.

Khảo sát này cũng cho kết quả: 47,3% các em học sinh cho biết chưa bao giờ bị bắt nạt trực tuyến; 30% học sinh hiếm khi bị bắt nạt trực tuyến; 20,2 báo cáo “thỉnh thoảng” và 21% là “thường xuyên” bị bắt nạt trên không gian mạng. Không có sự khác biệt đáng kể về giới tính và giữa các tỉnh làm khảo sát.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng học sinh cấp trung học phổ thông có nhiều khả năng bị bắt nạt trên mạng cao hơn so với học sinh ở các trường trung học cơ sở, trong khi không có sự khác biệt nào về giới tính đối với tần suất bị bặt nạt trên mạng.

Những nỗ lực trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi những tác động xấu từ môi trường mạng

Nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Thị Thu Phương cũng cho biết, ở Việt Nam, bắt nạt/bạo lực qua mạng cùng các loại hình tội phạm mạng đối với trẻ em đang dần có diễn biến phức tạp hơn, trong khi trẻ em lại chiếm 1/3 tổng số người dùng mạng Internet trên cả nước. Do đó, chính phủ đã có những nỗ lực trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi những tác động xấu từ môi trường mạng, cụ thể: Tham gia hầu hết các công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền trẻ em1989, Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang; và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm, tranh ảnh khiêu dâm...

Luật Công nghệ thông tin 2006; Luật trẻ em năm 2016; Luật Báo chí 2016; Luật An ninh mạng 2018 đều có các quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

“Với cơ sở pháp lý khá đầy đủ, sự tích cực của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội với nhiệm vụ bảo vệ trẻ em nói chung và an toàn trên mạng cho trẻ em nói riêng, trẻ em Việt Nam hiện nay có tiếp cận tốt với Internet và công nghệ và đang đối mặt với mức rủi ro thấp. Điều đó phần nhiều do sự đầy đủ và kịp thời của hệ thống luật pháp, sự chủ động và nhiệt tình của các tổ chức và cá nhân làm trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em”, nhóm nghiên cứu chỉ rõ.

Hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số” diễn ra sáng ngày 8/12.

Một số giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, ngoài những quy định pháp lý nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, một số giải pháp khác cần đẩy mạnh thực hiện với những đối tượng có liên quan trực tiếp đến trẻ em như nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội:

Về phía nhà trường: Cần đẩy mạnh sự tham gia của trẻ em trong các hoạt động có liên quan đến các em, đảm bảo cơ chế thân thiện, dễ tiếp cận đối với mọi học sinh.

Nhà trường cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em để các em có đủ thông tin, kỹ năng thực hiện quyền cũng như bảo vệ quyền và bản thân mình đặc biệt là các kỹ năng phòng chống bắt nạt trên không gian mạng.

Đồng thời cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng và các nguồn lực khác như Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 các trung tâm tư vấn và hỗ trợ trẻ em và các chính sách cụ thể về Quyền Trẻ em.

Về phía gia đình: Cần trang bị tốt những kiến thức về quyền trẻ em, kiến thức về bắt nạt/bạo lực qua mạng để truyền đạt lại với các con. Cha mẹ người chăm sóc cần kiên nhẫn lắng nghe trẻ em nói về những vấn đề của mình để kịp thời can thiệp đưa ra lời khuyên và bảo vệ các em.

Các tổ chức xã hội có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện các chương trình thực hiện quyền trẻ em, truyền thông nâng cao nhận thức năng lực cho các bên liên quan và cộng đồng về quyền trẻ em và về bắt nạt/bạo lực đối với trẻ em qua mạng.

Các bậc cha mẹ, thầy cô trường học và cộng đồng tiếp tục phải là những thiết chế quan trọng đồng hành cùng trẻ em và định hướng cho trẻ em trong việc bảo vệ bản thân khi tham gia xã hội số.

“Trong bối cảnh tiếp cận Internet dễ dàng và phổ cập hơn, khả năng ngoại ngữ của trẻ ngày một tốt lên thì các giải pháp để bảo vệ trẻ có được sự an toàn trên không gian mạng cần phải nhanh đủ, và cập nhật hơn nữa. Thông qua tiếp cận số, trẻ cũng có thể tận dụng tối đa ích lợi mà công nghệ, Internet mang lại với quá trình phát triển về trí tuệ các kĩ năng và năng lực học tập ở trẻ”, nhóm nghiên cứu đề xuất./.

 

0 views0 comments

Comments


bottom of page